Chuyên gia năng lượng tái tạo - Xem ngay

Thông tư hướng dẫn mua bán điện mặt trời đã được Bộ trưởng ký

Thông tư hướng dẫn mua bán điện mặt trời đã được Bộ trưởng ký

Ngày 12/09/2017), Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đặt bút ký Thông tư hướng dẫn "Quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời". Các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScent/KWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD).

Cơ chế mua bán điện mặt trời

Tin vui cho các nhà đầu tư, sắp tới các dự án điện mặt trời mái nhà sẽ chính thức bán điện lại cho EVN theo cơ chế bù trừ sử dụng hệ thống công tơ hai chiều, GIÁ 9.35 CENT (TƯƠNG ĐƯƠNG 2,086 ĐỒNG/ 1KWH) tại điểm giao nhận điện, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD. Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước 30/06/2019 theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng 20 năm.

Nội dung của Thông tư

Thông tư này gồm 5 Chương, 22 Điều, quy định về quy hoạch và phát triển dự án điện mặt trời; giá bán điện của các dự án điện mặt trời nối lưới và dự án điện mặt trời mái nhà; hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (nối lưới và mái nhà); trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan…

Thông tư này quy định về phát triển dự án điện mặt trời nối lưới, dự án điện mặt trời mái nhà và ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời nối lưới và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam (sau đây viết tắt là Hợp đồng mua bán điện mẫu).

Hộ gia đình, doanh nghiệp khỏi lo tiền điện

Các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ điện (đồng hồ) hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án điện mặt trời trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc một năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện theo giá quy định. 

Ông Trần Hữu Cường, ngụ Q.2 (TP.HCM) phấn khởi: “Tôi đã tìm hiểu về lĩnh vực này rất nhiều và trước giờ cứ đắn đo giữa bộ ĐMT công suất 2 kW và 5 kW. Bộ nhỏ không đủ cho nhu cầu sử dụng còn bộ lớn xài không hết lại bỏ phí. Lấn cấn mãi về việc này nên chưa đầu tư. Nhưng với quyết định mới của Chính phủ, tôi sẽ lắp hẳn bộ công suất lớn vì dư cũng bán được, không phải bỏ phí. Từ nay về sau không phải hằng tháng lo tiền điện, giá điện tăng”.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), chia sẻ: “Tôi đầu tư hệ thống ĐTM cuối năm ngoái. Thời điểm đó vẫn chưa có quy định về mua bán điện giữa hộ gia đình và nhà cung cấp điện. Toàn bộ hệ thống 12 tấm pin mặt trời trên nóc nhà với tổng diện tích 24 m2 và bộ tích điện tốn chi phí 130 triệu đồng. Khi có quy định về việc mua bán điện, người dân sẽ giảm được chi phí đầu tư đáng kể khi không phải tốn thêm tiền đầu tư bộ tích điện. Điện xài không hết có thể coi như “gửi” lên lưới điện quốc gia, lúc cần đem xuống xài mà không cần tốn tiền mua. Nó sẽ khắc phục được bất cập hiện nay là thừa phải cho không nhưng khi cần sử dụng lại phải mua. Trước đây, tôi tính chi phí đầu tư hệ thống ĐMT tương đương 7 năm tiền mua điện hằng tháng. Với quyết định mới này thời gian hoàn vốn chỉ mất khoảng 3 - 4 năm”.

Doanh nghiệp đổ vốn vào điện mặt trời

Theo Thông tư, bên mua tức EVN có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án Điện mặt trời. Thời hạn hợp đồng mua bán điện với các dự án ĐMT là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Các doanh nghiệp đầu tư vào ĐMT còn được ưu đãi về vốn, thuế, đất đai...

Khu vực Nam Trung bộ có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời. Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, đến cuối năm 2015 chỉ có một dự án nhà máy điện mặt trời của nhà đầu tư Hàn Quốc nhưng chỉ trong tháng 3.2017 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục chấp thuận thêm 2 dự án đầu tư khác.

Toàn bộ vùng tiềm năng điện mặt trời của Bình Thuận là trên 8.400 ha, tổng công suất được quy hoạch 5.035 MW, đến năm 2030 là 4.500 MW. Hiện Dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhất tại Bình Thuận nằm ở xã Sông Bình (huyện Bắc Bình) có công suất 200 MW, chiếm diện tích đất tới 282 ha, do EVN làm chủ đầu tư đã được lập quy hoạch bổ sung vào mạng lưới phát triển điện của tỉnh. 

Ngay cả các mặt hồ thủy điện, hồ thủy lợi cũng được quy hoạch ĐMT vì các hồ nước này hoàn toàn có thể đặt phao nổi để lắp đặt các tấm pin mặt trời.

điện mặt trời; năng lượng mặt trời

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Bài trước Bài sau
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.